Phòng tránh chóng mặt tại nhà

Người hay bị chóng mặt thường sợ đám đông, sợ ra ngoài hay ngại những chuyến đi chơi xa. Nhà là nơi có vẻ là cho họ cảm giác an toàn nhất, nhưng cơn chóng mặt vẫn có thể bất thình lình ập đến.
Do đó, dù ở nhà, người dễ chóng mặt cũng nên tuân thủ 4 lời khuyên hữu ích sau đây:

Ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý

Có kiêng có lành, người bị chóng mặt nên kiêng các loại bia, rượu, chất kích thích như cà phê vì lợi tiểu dẫn đến cơ thể dễ mất nước làm tình trạng chóng mặt thêm nặng. Ăn ngọt quá hoặc mặn quá cũng làm tăng thể tích dịch của cơ thể và tai trong cũng làm cơn chóng mặt bất ngờ xuất hiện. Người bị chóng mặt cũng cần kiêng các loại thực phẩm chứa nhiều acid amin Tyramine như dưa chua và các loại thực phẩm lên men, bơ lạc, socola, và các loại đồ ăn nhanh như xúc xích. Người dễ bị chóng mặt nên uống nhiều nước và có thể dùng gừng tươi hay trà gừng hòa tan có thể cải thiện chứng chóng mặt nhanh chóng.

Việc nghỉ ngơi hợp lý cũng giúp tình trạng chóng mặt thuyên giảm đáng kể. Cụ thể, người bị chóng mặt tránh nằm ở những nơi có ánh sáng chói quá, quá nhiều tiếng ồn, không xem tivi, lướt điện thoại lâu hay đọc sách quá lâu mà nên nghe nhạc nhẹ. Khi nằm nghỉ ngơi, người bệnh không nên thay đổi tư thế nhanh chóng, đột ngột như xoay đầu hoặc đang nằm mà đứng lên bất thình lình mà bỏ qua bước ngồi. Hãy tưởng tượng trên đầu là một ly nước đầy, người bệnh cần chuyển động chậm rãi để tránh làm đổ ly nước sẽ giúp tránh được chóng mặt tư thế.

Tập luyện

Nghiệm pháp Epley & Semont được rất nhiều bệnh viện áp dụng, đặc biệt hữu hiệu liên quan đến chóng mặt do ốc tai trong. Bệnh nhân hoàn toàn có thể tự tập ở nhà chỉ trong 15 phút. Bài tập chia thành 5 tư thế chính, mỗi tư thế chỉ diễn ra tầm 30 giây.

Tư thế đầu tiên, người bệnh ngồi thẳng ở phần mép giường và nhìn thẳng. Sau 30 giây, người bệnh nằm ngửa xuống và xoay đầu sang phải 45 độ, thân vẫn phải nằm ngửa. Tiếp tục sau 30 giây, người bệnh xoay đầu sang trái 45 độ, vẫn giữ im thân người. Kế đó, bệnh nhân xoay toàn bộ thân người nghiêng qua trái trong khi đầu vẫn giữ ở tư thế nghiêng trái khi xoay. Động tác cuối cùng, người bệnh xoay thân người và đầu về lại tư thế nằm ngửa trên giường rồi ngồi thẳng dậy như tư thế ban đầu.

Bắt đầu, người bệnh có thể tập 1 lần ban đêm ngay trước khi đi ngủ và sau đó tăng lên 2-3 lần trong ngày.

Phòng tránh té ngã

Dù ở nhà mình nhưng nguy cơ người bệnh chóng mặt té ngã dẫn đến chấn thương là rất hay xảy ra. Phần lớn người bị chóng mặt thường bị té khi leo cầu thang hoặc những nơi trơn trượt như phòng tắm, sân hay nhà bị ướt… Để phòng tránh nguy cơ té ngã, người nhà nên làm thêm tay vịn cho người nhà khi vào nhà tắm, nhà vệ sinh, không để đồ đạc bề bộn, nền nhà bị ướt hay thiếu ánh sáng…

Trợ giúp

Trợ giúp từ người nhà, bác sĩ và các liệu pháp dược phẩm luôn là cần thiết với gia đình có người bị chóng mặt, đặc biệt là người già. Nhà có người dễ chóng mặt, người nhà nên quan tâm đến người bệnh nhiều hơn như không để họ ở nhà một mình hoặc không có các thiết bị hỗ trợ như chuông, camera, tay vịn ở các nơi khó di chuyển…

Người bị chóng mặt nên đi khám định kỳ tại các phòng khám bác sĩ gia đình hoặc các bệnh viện liên quan đến chóng mặt như thần kinh, tai mũi họng, huyết áp…

Comments

comments

Hãy like và chia sẻ bài viết hữu ích này:
fb-share-icon